Điều khiển xe ôtô đi sai làn đường quy định ngoài việc bị phạt tiền người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 4 tháng.
Thế nào là lỗi đi sai làn đường?
Khi trên mặt đường phân chia thành nhiều làn được phân biệt bằng vạch kẻ đường mỗi làn chỉ cho một số loại phương tiện giao thông nhất định đi trên đó. Ví dụ phân làn dành riêng cho ôtô con, làn dành riêng cho ôtô tải, làn dành riêng cho xe máy… và có biển báo “đường dành riêng” như biển 412 (a, b, c, d) với ý nghĩa làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc một số loại biển khác như 304, 305,…
Đối với biển báo làn đường, nếu người điều khiển phương tiện là xe ôtô đi vào làn đường dành cho xe môtô, xe máy hoặc ngược lại người điều khiển xe môtô, xe máy đi vào làn đường dành cho xe ôtô thì mới được xác định là lỗi “đi sai làn đường” và khi đó mới xử phạt lỗi sai làn đường.
Ôtô đi sai làn đường bị phạt như thế nào?
Theo Điều 5, Nghị định 46/2016 xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ của mức phạt về đi sai làn đường được quy định cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe ôtô đi sai làn đường quy định còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng.
Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX xe từ 2 tháng đến 4 tháng.