Từ 01/2021, các xe Mercedes-Benz tại thị trường VN bị “ẩn” chức năng tự động đậu xe – đây là một tính năng thuộc cấp độ 2 của công nghệ “lái xe tự động” hay “xe tự lái”, cụm từ đang rất “hot” hiện nay – cộng đồng những người lái xe Mer ở Việt Nam hôm qua vừa chia sẻ thông tin này.
Lý do: Theo Công ước Vienna về Giao thông Đường bộ (hiện có 78 quốc gia ký kết tham gia, trong đó có ta), quy định đối với hệ thống lái chỉ cho phép can thiệp điều chỉnh lái chứ không cho phép lái tự động ở tốc độ trên 10 km/h. Nói cách khác, Công ước này gần như “vô hiệu hoá” tính năng lái tự động, tự hành trên ô tô.
Riêng Mỹ và Trung Quốc đều không tham gia cả 2 Công ước này (!) nên vô tư.
Cái qui định xe vẫn phải hành bằng cơm này không chỉ ghi nhận tại Công ước Vienna và mà cả ở hệ thống tương tự là Công ước Geneva có 94 nước ký kết, nhưng cũng không có hai anh Mỹ và Trung Quốc! Công ước Geneva quy định người lái xe phải có mặt để điều khiển ô tô và người lái xe phải luôn điều khiển phương tiện.
Nhiều bạn nói Công ước Vienna ra đời từ năm 1968 và Geneva trước đó nữa khi xe hơi tự hành được xem như phim viễn tưởng, nên giờ lạc hậu rồi. Đúng quá. Thế nên tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2019 người ta đã đưa ra vấn để sửa đổi quy định lạc hậu này.
Nhưng tại sao tới nay cả hai ông bà Công ước già cả kia vẫn chưa chịu thay đổi và vì sao Mercedes cùng nhiều hãng xe lớn trên thế giới khác vẫn chịu tuân thủ qui định vô lý nói trên?
Đọc tài liệu phổ biến của cái Diễn đàn trên, thì biết, hoá ra vấn đề nan giải phết.
Là thế này: Cái xe có thể đậu, vào chuồng tự động, thậm chí tự lái theo đuôi xe khác, okie rất là hay. Nhưng mà nếu có chuyện gì xảy ra…thì thế nào? Mà thực tế đã xảy ra rồi: Xe thử nghiệm lái xe tự động của Uber đã giết chết một phụ nữ 49 tuổi cố gắng băng qua đường ở Tempe, Arizona, vào tháng 3 năm 2018. Cùng tháng đó, một người lái xe sử dụng chế độ lái Autopilot của Tesla đã đâm vào dải phân cách trên đường cao tốc ở Mountain View, California, khiến tài xế tử vong. Ra toà: Ai là bị can? Ai là người gây tai nạn? Ai chịu trách nhiệm bồi thường: người ngồi sau tay lái nhưng không hề lái? hay nhà sản xuất xe? Các phiên toà sẽ kéo dài bất thường, các công ty bảo hiểm cũng phải xem xét lại các điều khoản… v.v.
Tới nay bàn vẫn chưa ra ngô ra khoai, nên đâu cứ ở yên đấy!
Đấy là lý do khiến các hãng xe vẫn nghiên cứu, vẫn phát triển, vẫn giới thiệu, có thể vẫn trang bị, nhưng nếu Công ước chưa sửa đổi, thì việc bán ra thị trường những chiếc xe có tính năng tự động không có sự can thiệp của người lái (chủ yếu nằm ở cấp độ 3, 4 và 5 + 1 phần cấp độ 2 trong 5 cấp độ lái tự động hiện nay) là phạm luật.
Như chiếc Audi A8 thế hệ mới là chiếc ô tô đầu tiên trên thế giới có thể tự lái ở Cấp độ 3 theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành- có thể cho phép người lái ngồi và thư giãn, sử dụng điện thoại hoặc làm gì đó nhưng không được ngủ (!) để kịp thời can thiệp vào việc lái xe khi cần thiết – nhưng hiện tại chiếc xe này chưa được ra mắt và tạm thời bị bỏ qua vì “vi phạm nghiêm trọng” Công ước nói trên ở qui định con người vẫn phải chịu trách nhiệm kiểm soát chiếc xe khi lái nó trên đường công cộng.
Còn những bác nào đã trang bị một vài tính năng tự động Cấp 2 (bao gồm tự điều khiển đồng thời cả vô lăng và phanh/ga trong một số trường hợp như Autopilot của Tesla, tự động đỗ xe của Mercedes) thì phải “ẩn” đi.
Nhưng mình đồ rằng trong năm 2021 Vienna với Geneva chắc chắn phải sửa luật này. Quý 3 năm nay Vinfast sẽ ra 3 mẫu xe mới được giới thiệu là sở hữu tính năng tự hành cấp độ 2-3, đặc biệt đây cũng là các mẫu SUV nằm trong nhóm ít các xe trên thế giới có nhiều tính năng tự hành cấp độ 3.
Hội Mercedes cứ chờ đấy mà ăn theo.