Giải cứu ôtô thật rồi các anh hùng bàn phím ơi. Nhất là khi nhà sản xuất ôtô mãnh liệt tinh thần Việt chia sẻ việc đang phải gồng mình bù lỗ tới 300 triệu đồng trên mỗi chiếc xe.
Theo các số liệu xe nhập khẩu, sản xuất và tiêu thụ, ước tính đến tháng 11-2019, còn khoảng hơn 50.000 ôtô du lịch tồn kho, tương đương với hai tháng xả hàng trên toàn thị trường với điều kiện là trong hai tháng này các dây chuyền lắp ráp trong nước cắt cầu dao hết để tiết kiệm điện và các cảng cũng bế quan luôn.
Sau rau dưa gà vịt…, đến lượt giải cứu ôtô thật rồi các anh hùng bàn phím ơi. Nhất là khi nhà sản xuất ôtô mãnh liệt tinh thần Việt chia sẻ việc đang phải gồng mình bù lỗ tới 300 triệu đồng trên mỗi chiếc xe đang bán ra (Ở đây một số bạn thích đùa đùa tí thôi nhé, nghiêm chỉnh là xe bán càng nhiều-tức tăng lượng sản xuất trên dây chuyền, thì giá thành càng giảm, tức giảm bù lỗ cho nhà sản xuất. Chứ đừng thương mà hại nhà sản xuất bằng kiểu mua ít thôi cho ít lỗ !!!).
Giải cứu cách nào?
Thì cứ như anh tiến sĩ kinh tế chuyên môn trắc địa công trình Mỏ Địa chất bảo người Hà Nội nên gương mẫu đi đầu, bỏ xe máy mua ôtô ngay đi, bốn năm làm dư tiền mua ôtô rồi, đi ôtô cho vừa văn minh cái người lại giúp Việt Nam đuổi kịp và vượt các nước trong khu vực về tỷ lệ sở hữu ôtô trên đầu người hiện nay đang quá thấp.
Nhưng thực tế thì người Hà Nội lâu nay gương mẫu quá rồi, các anh chị có hiểu hông? Anh tiến sĩ lấy số liệu của một trang web nước ngoài công bố số liệu sở hữu ôtô trên đầu người toàn Việt Nam, chỉ bằng 1/10 Thái Lan. Hic, anh quên mất, Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% lượng ôtô mới đăng ký trên cả nước hiện nay, tức người Hà Nội và TP.HCM cân một nửa số lượng xe hơi của cả nước. Đó là chưa kể một lượng không nhỏ xe biển ngoại tỉnh nhưng vẫn hoạt động chính trên đường phố Hà Nội, TP.HCM, nhất là các xe làm dịch vụ.
Mua xe nhiều như vậy nhưng người đi xe ở Hà Nội chỉ được sử dụng khoảng đất dành cho giao thông chiếm có 9% đất nội đô so với tiêu chuẩn thông thường của các nước là 22 – 24%. Kết quả là gì các anh chị cứ ra đường Hà Nội và TP.HCM quê em thì biết. Ở đây không còn giờ cao điểm kẹt xe vì tất cả các giờ trong ngày đều có thể là cao điểm. Đó là lúc xe đi ạ. Còn khi xe đậu lại là cơn ác mộng mới. Theo một khảo sát được công bố trên tờ Pháp luật Việt Nam, 49% người đang ở hữu xe ôtô tại Hà Nội và 53% tại TP.HCM đang cân nhắc có nên sử dụng ôtô nữa không vì nhiều tốn kém và phiền nhiễu. Tại Hà Nội, 77% người được hỏi cho biết họ thường bị mất rất nhiều thời gian vì loay hoay tìm chỗ đỗ xe, trong khi con số tương ứng tại TP.HCM là 68%.
Vậy, mình đang hình dung cảnh người Hà Nội (và TP.HCM) nô nức đi giải cứu ôtô, thế là chúng mình xếp những chiếc xe vừa giải cứu trên đường, trên vỉa hè, hay bất cứ khoảng trống nào hiếm hoi còn lại , ngồi ị đấy, hạ cửa kính xuống vẫy tay chào nhau, nhỉ?
Mình cũng định bổ sung thêm cho bài viết giải cứu xe hơi của anh tiến sĩ một vài con số chúng ta cần phấn đấu nữa cho kịp khu vực và thế giới: “Theo thống kê từ năm 2010, Jakarta đã là thủ đô dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng xe hơi cá nhân (34%). Hiện Jakarta và các vùng phụ cận có khoảng 30 triệu dân với hơn 10 triệu lượt xe hơi lưu thông trên mặt đường mỗi ngày. Một người dân thủ đô cho biết để tới công ty đúng giờ anh phải rời khỏi nhà từ 5g30 sáng! Tổng thống Indo, ông Joko Widodo, cho hay chính phủ nước này mất khoảng 4,6 tỉ USD mỗi năm cho những thiệt hại từ kẹt xe gây nên. Và kẹt xe cộng với đất lún đã buộc chính phủ nước này phải quyết định dời đô”.
Và thật ra thì, theo bạn, ôtô đang cần giải cứu hay chính các cư dân Hà Nội, TP.HCM đang cần giải cứu?