Trong 10 tháng đầu năm 2019, VN đã chi gần 2,7 tỉ USD để nhập hơn 120.000 ôtô các loại, tăng 125% so với cùng kỳ năm trước. Con số này của cả năm dự báo đạt 140.000 xe, gây sức ép lớn với ngành sản xuất ôtô trong nước.
Cũng trong 10 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Công thương, sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp đạt 284.200 chiếc, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các doanh nghiệp tiêu thụ được khoảng 240.000 ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, vẫn còn tồn hơn 40.000 xe các loại.
Với xe nhập khẩu, lượng xe chưa tiêu thụ khoảng 15.000 chiếc. Tính chung cả thị trường ôtô còn hơn 50.000 xe chưa tiêu thụ, tương đương với hai tháng bán hàng.
“Phải nghiên cứu ban hành hàng rào kỹ thuật đối với ôtô nhập khẩu trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam với xe nhập khẩu để tăng cường quản lý, phù hợp với cam kết quốc tế”.
Ông Lê Ngọc Đức
(Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công – TC Motor)
Kích cầu vẫn khó tiêu thụ
Đầu tháng 11-2019, ông T.V.H., Tổng giám đốc Công ty sản xuất, lắp ráp xe tải V.M (H. Củ Chi, TP.HCM), cho biết công ty này đang tìm cách liên kết với các sàn thương mại điện tử, đơn vị tài chính để hợp tác bán hàng.
Theo ông H., xe sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh về giá với xe nhập khẩu từ Trung Quốc nên dư địa thị trường vẫn còn rất lớn, nhưng doanh nghiệp chưa thể tính đến phương án tăng công suất từ 1.000 xe/năm lên 5.000 xe/năm như kế hoạch trước đó.
“Trước áp lực xe nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh phụ kiện cho ôtô trong nước chưa phát triển, nên chúng tôi không dám mở rộng đầu tư để nâng công suất”, ông H. nói.
Ông cho biết thêm doanh nghiệp này nhập linh kiện về lắp ráp do việc nội địa hóa gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu tư lớn, hiệu quả không cao.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều đại lý ôtô trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt mẫu xe được điều chỉnh giảm giá lên đến 100 triệu đồng/chiếc để kích cầu khách hàng mua sắm cuối năm.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford VN, cho hay lượng xe tồn kho của các doanh nghiệp hiện khá lớn, một phần do dự báo sức tiêu thụ năm 2019 của các hãng đưa ra hồi đầu năm lạc quan hơn thực tế.
“Chúng tôi từng dự kiến tăng trưởng của thị trường xe năm nay phải đạt 30%, nhưng đến nay chỉ đạt 15 – 17%”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc một công ty sản xuất phụ tùng nội thất ôtô tại TP.HCM, với hiện tượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tăng mạnh, có thể đạt đến con số trên dưới 140.000 chiếc trong năm nay, việc tiêu thụ các sản phẩm ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước gặp nhiều khó khăn hơn là điều khó tránh khỏi.
“Ngành ôtô trong nước đang bị thất thế so với xe nhập do chi phí sản xuất ôtô ở Việt Nam cao hơn 18 – 20% so với các nước trong khối ASEAN”, ông Tiến nói.
Theo các doanh nghiệp ôtô, nếu trong tương lai không có gì thay đổi, không có những biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, tỷ trọng xe sản xuất trong nước có thể theo chiều hướng thấp hơn xe nhập, trong khi thị trường ôtô Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Khi đó, số tiền chi cho nhập ôtô nguyên chiếc sẽ tiếp tục tăng cao.
- Xem thêm: Xe nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh
Tăng nội địa hóa để giảm giá thành
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tài – Tổng giám đốc Thaco Trường Hải – cho rằng ngành ôtô trong nước vốn còn non trẻ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải hội nhập sân chơi lớn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng thay đổi để tiếp tục phát triển. “Năm 2018, Thaco đã trụ giữ được thị phần 30 – 35%, coi như là cạnh tranh được.
Đến năm 2019, dù con số xe nhập khẩu ngày càng tăng nhưng Thaco vẫn có kế hoạch bán ra thị trường 90.000 xe”, ông Tài cho biết.
Để làm được điều này, theo ông Tài, hàng loạt giải pháp được doanh nghiệp này đặt ra như gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu…
Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp, ông Tài cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ đối với ôtô.
Có một nghịch lý là xe nguyên chiếc trong khối ASEAN nhập về VN được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% nhưng thuế nhập khẩu linh kiện vẫn chưa về 0%, nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.
Trong thực tế, nguyên vật liệu nhập khẩu để doanh nghiệp tăng nội địa hóa như thép lò xo, thép chuyên dụng cho ôtô cũng bị đánh thuế, làm cho giá thành sản xuất xe trong nước bị đội lên, khó có thể cạnh tranh được với xe sản xuất trong khu vực.
Do đó, theo ông Tài, VN cần có những hàng rào kỹ thuật nhất định thay vì thả nổi như hiện nay. Chẳng hạn, muốn được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, xe nhập khẩu phải đạt tối thiểu 40% nội địa hóa nội khối.
Ngoài ra, cần xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào phần giá trị sản xuất trong nước, nhằm giảm giá thành ôtô sản xuất trong nước.
“Khi ngành công nghiệp ôtô phát triển, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác sẽ phát triển theo. Nhưng nội địa hóa cần phải có sản lượng lớn. Mà muốn sản lượng lớn, giá thành phải giảm. Muốn giá thành giảm thì thuế phải xem xét lại” – ông Tài nói.
Theo ông Lê Ngọc Đức – Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công (TC Motor), để các doanh nghiệp ngành ôtô đạt được mục tiêu như chiến lược phát triển ngành đề ra, cần các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như một đòn bẩy.
Theo đó, Nhà nước không nên tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị nội địa hóa ôtô, áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, theo ông Đức, cần đưa sản phẩm ôtô vào danh mục “sản phẩm công nghệ cao” để khuyến khích.
“Có quỹ phát triển và hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về cơ khí chế tạo. Phải nghiên cứu ban hành hàng rào kỹ thuật đối với ôtô nhập khẩu trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam với xe nhập khẩu để tăng cường quản lý, phù hợp với cam kết quốc tế”, ông Đức đề xuất.
Sẽ có nhiều chính sách thuế ưu đãi
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ.
Đặc biệt, sau khi triển khai nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, bộ đã cấp 39 giấy xác nhận ưu đãi thuế, tín dụng, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, điện tử, ôtô, công nghệ cao và cơ khí.
“Bộ Công thương cũng tổ chức chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp và lựa chọn 25 doanh nghiệp, có ba doanh nghiệp tham gia chương trình được Toyota đánh giá đạt tiêu chuẩn trở thành nhà cung cấp nội địa Việt Nam”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, vị này thừa nhận rằng các chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô vẫn còn rất sơ sài, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang được hoàn thiện hoặc mới thực thi nên hiệu quả cần được đánh giá.
Trong bối cảnh năng lực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đủ sức vươn ra thị trường nước ngoài, cần phải có ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển, tham gia chuỗi cung ứng.
Do đó, theo vị này, trong thời gian tới ngành công thương sẽ nghiên cứu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp ôtô, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thúc đẩy thị trường ôtô tăng trưởng ổn định và dài hạn trên cơ sở cho vay ưu đãi với người tiêu dùng mua ôtô, quy hoạch hạ tầng đồng bộ.
“Sẽ có chính sách hỗ trợ nhằm giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc”, vị này khẳng định.
Với chính sách thuế, theo lãnh đạo Bộ Công thương, sẽ nghiên cứu sửa đổi theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị nội địa với xe ôtô từ 9 chỗ trở xuống nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất trong nước hạ giá thành, đồng thời áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 0% với ôtô điện, ôtô thân thiện với môi trường.
“Đặc biệt sẽ bổ sung quy định ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để nghiên cứu sản xuất…”, vị này cho biết thêm.
Một số dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao
Theo Bộ Công thương, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được triển khai từ năm 2018 đạt được nhiều kết quả.
Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và quy hoạch công nghiệp ôtô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).
Ngoài ra, Cục Công nghiệp đã phối hợp cùng Samsung tổ chức tám khóa đào tạo 207 tư vấn viên là cán bộ chủ chốt để từ đó nhân rộng mạng lưới chuyên gia tư vấn.
40 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn giúp tăng năng suất, giảm lỗi, giảm các lãng phí về quãng đường vận chuyển trong sản xuất, giảm thời gian tìm kiếm, chi phí… trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) thuộc Cục Công nghiệp cũng thực hiện chương trình cải tiến sản xuất và chất lượng, với sự tham gia của 62 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ.