Việc tăng mức xử phạt tối đa cho CSGT, TTGT giúp giảm bớt thủ tục hành chính, quy trình xử phạt nhanh hơn, không phải mất công đoạn chuyển…
Bộ GTVT đang sửa đổi Nghị định 100 theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông tối đa cho các chức danh để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính mới ban hành.
Tăng mức phạt tối đa theo từng chức danh
Theo nội dung dự thảo Nghị định đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi mức phạt tối đa của các chức danh và sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt để phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Thế Tùng, Vụ trưởng Vụ ATGT – thành viên Ban soạn thảo Nghị định cho hay, Nghị định 100 hiện quy định, thẩm quyền xử phạt của các chức danh được căn cứ vào mức xử phạt tối đa trước đây trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ đến 40 triệu đồng. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính mới ban hành, mức xử phạt tối đa tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng.
“Chánh Thanh tra GTVT trước đây chỉ được phạt với mức tối đa là 20 triệu đồng, nay tăng lên gần 40 triệu đồng. Trưởng phòng CSGT cấp tỉnh trước đây chỉ được phạt đối với cá nhân vi phạm tối đa là 8 triệu đồng. Dự thảo Nghị định 100 sửa đổi tăng mức xử phạt tối đa cho chức danh này lên 15 triệu đồng”, ông Tùng dẫn ví dụ
Ở góc độ người trực tiếp làm công tác xử phạt, Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây trưởng phòng CSGT cấp tỉnh chỉ được xử phạt với mức phạt tối đa là 8 triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ có mức xử phạt cao hơn số tiền tối đa CSGT được phạt. “Gặp những trường hợp này, chúng tôi phải lập biên bản và chuyển cấp cao hơn ra quyết định xử phạt nên rất mất thời gian”, Đại tá Chiến nói.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho hay, thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Lực lượng thực thi công vụ trên đường, trực tiếp xử phạt nhiều hành vi vi phạm uy hiếp trực tiếp đến ATGT như: Rượu bia, ma túy, tốc độ nhưng thẩm quyền chỉ được xử phạt tối đa ở mức khá thấp. Nếu mức phạt cao phải chuyển lên giám đốc công an, chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.
Hiện nhiều mức phạt tối đa theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng không còn phù hợp với thực tế. Tham khảo kinh nghiệm tại nhiều nước phát triển, những hành vi cố tình vi phạm hoặc có khả năng gây hậu quả lớn, thường bị phạt với mức rất cao, trong đó có hành vi đục lại số khung số máy, chở quá tải trọng, uống rượu bia khi lái xe, gây tai nạn giao thông nhưng cố tình bỏ trốn…”, ông Sùa nói.
Đảm bảo tính răn đe
Lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 1/1/2022, Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực, xử lý vi phạm hành chính trong tham gia giao thông cũng áp dụng theo luật này, với những mức quy định rất cụ thể.
Hiện nay, việc ứng dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại trong xử phạt vi phạm giao thông đang được triển khai mạnh mẽ, nhất là thiết bị phát hiện hành vi vi phạm như camera giám sát. Tuy nhiên, các nền tảng pháp lý phục vụ cho “phạt nguội” vi phạm giao thông vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung. Cùng với ứng dụng công nghệ, việc hoàn thiện hành lang pháp lý tốt, có các nền tảng dữ liệu, cách thiết kế hệ thống quy trình sẽ mang lại hiệu quả trong xử lý vi phạm giao thông, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.
TS. TỪ SỸ SÙA,GIẢNG VIÊN CAO CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC GTVT HÀ NỘI
Theo đó, cán bộ, chiến sỹ CSGT đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền không quá 500 nghìn đồng; Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT có quyền xử phạt không quá 25 triệu đồng…
Nghị định 100 nâng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông, nên với thẩm quyền xử phạt vi phạm của Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhiều hành vi vi phạm sẽ phải thuộc thẩm quyền xử lý của giám đốc công an tỉnh và cấp cao hơn.
Việc tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lên cho cán bộ chiến sĩ, cấp đội, trạm, phòng CSGT công an tỉnh, thành phố sẽ thuận tiện cho công tác TTKS, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Theo một chuyên gia giao thông, thực tế xử phạt vi phạm giao thông lâu nay, không loại trừ có tình trạng cán bộ ngại thủ tục khi phải chuyển lên cấp cao hơn với những hành vi vượt thẩm quyền nên bỏ qua vi phạm; hay chuyển lỗi để đỡ phải chuyển lên cấp trên.
Bên cạnh đó, chuyển lên cấp cao ra quyết định nhưng không phải lúc nào chủ tịch UBND tỉnh cũng có thời gian để ký quyết định xử phạt.
Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính nâng mức phạt tối đa, thẩm quyền các chức danh trực tiếp làm công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng theo. Điều này phù hợp với thực tiễn, vừa tháo gỡ vướng mắc vừa giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính răn đe”, vị chuyên gia nói.
Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ trưởng Vụ ATGT đánh giá, sau hơn 1 năm Nghị định 100 đã phát huy hiệu quả trong xử phạt vi phạm giao thông, thực sự đi vào cuộc sống. Việc sửa Nghị định 100 theo hướng cập nhật lại các chức danh có thẩm quyền xử phạt để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi vừa mới ban hành.
Việc tăng mức xử phạt tối đa cho các chức danh giúp giảm bớt thủ tục hành chính, quy trình xử phạt nhanh hơn, không phải mất công đoạn chuyển lên cấp trên ra quyết định xử phạt đối với những hành vi có mức phạt vượt thẩm quyền”, ông Tùng nói.