Việc học, thi lấy bằng lái xe không chỉ được giám sát trực tuyến bởi các trường, các sở GTVT mà của cả Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Sở GTVT TP.HCM vừa ra văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch lái xe nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định mới của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (được quy định tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2019).
Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe về việc trên.
Nhận dạng để chống thi hộ
Thưa ông, lâu nay tình trạng học giùm, thi hộ để lấy bằng lái diễn ra khá nhiều. Vậy Thông tư 38 có quy định gì để ngăn chặn việc “người giả, bằng thiệt”?
Thông tư 38 quy định các cơ sở đào tạo, sát hạch phải trang bị, ứng dụng công nghệ nhận diện hiện đại. Theo thông tin mới đây từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì cách thức nhận dạng, nhận diện sẽ là chụp ảnh so sánh khuôn mặt, so sánh vân tay người học và có thể sau này là nhận dạng mống mắt. Như vậy, các cơ sở đào tạo phải trang bị các thiết bị kỹ thuật như camera, máy soi chiếu để nhận diện khuôn mặt, nhận dạng và so sánh vân tay. Camera thì buộc phải gắn ở cả phòng học lý thuyết, phòng thi sát hạch lý thuyết và trên xe tập lái, xe thi tay lái trong hình, xe thi trên đường trường… Về phía học viên, ngoài chụp ảnh như lâu nay thì sẽ phải thêm phần đăng ký vân tay. Như vậy, khi học viên học (lý thuyết, tập lái) hoặc thi sát hạch (lý thuyết, thi tay lái trong hình và trên đường trường) đều phải qua chụp ảnh, nhận dạng vân tay đúng với đăng ký thì mới được học, được thi.
Việc phải lắp nhiều camera ở trên xe, trong phòng học, phòng thi… nhằm mục đích gì?
Thông tư 38 còn quy định ngay tại sân học, sát hạch tay lái cũng phải gắn camera giám sát tại các khu vực như điểm xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc… Việc gắn nhiều camera như thế nhằm giám sát chặt, buộc cơ sở đào tạo và cả học viên phải học đủ giờ, học đúng bài. Ngay như trên các xe học lái, sát hạch cũng phải có thiết bị giám sát hành trình theo dõi số kilomet đường học viên đã học lái. Khi học viên học đủ số giờ thực hành thì trung tâm mới cấp quyền tham gia sát hạch cho học viên đó.
Rớt thi mô phỏng là rớt luôn
Thưa ông, nội dung học và thi sát hạch có gì mới?
Quy định hiện nay, học viên học và sát hạch ba phần: lý thuyết – trong hình – trên đường trường. Nay Thông tư 38 quy định thêm phần học và thi sát hạch xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng. Thời gian một người học với thiết bị mô phỏng là ba giờ. Từ đó trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết – mô phỏng – trong hình – trên đường. Như vậy, nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng là coi như… rớt luôn, học viên sẽ không được thi sát hạch trên ô tô ở trong hình và trên đường trường.
17 tỉ đồng là số tiền Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm giám sát trực tuyến trên toàn quốc. Trung tâm này sẽ giám sát được thời gian học lý thuyết, số km lái xe trên đường của từng học viên qua các thiết bị theo dõi tại cơ sở đào tạo. Dữ liệu sẽ được lưu trữ tối thiểu 12 tháng.
Ông cho biết rõ hơn trình tự sát hạch bốn bước với người lấy bằng lái ôtô các hạng?
Từ ngày 1-1-2021, người thi bằng lái ôtô (hạng B1 số tự động, B1, B2, C, D, E, các hạng F) sẽ phải thi thêm nội dung sát hạch lái ôtô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Việc công nhận kết quả thi đối với người thi bằng lái xe các hạng trên sẽ là: Không đạt nội dung lý thuyết thì không được thi lái ôtô bằng phần mềm mô phỏng; không đạt nội dung lái ôtô bằng phần mềm mô phỏng thì không được thi thực hành trong hình; không đạt nội dung thực hành trong hình thì không được sát hạch lái xe trên đường; đạt nội dung lý thuyết, phần mềm mô phỏng, thực hành lái xe trong hình nhưng không đạt kết quả sát hạch lái xe trên đường thì được bảo lưu kết quả trong một năm. Học viên đạt nội dung lý thuyết, lái ôtô bằng phần mềm mô phỏng và thực hành lái xe (trong hình và trên đường) là được công nhận đậu, cấp bằng lái.
Học phí sẽ tăng
Việc giám sát chặt giờ học, bài học và các cơ sở đào tạo, sát hạch phải trang bị thêm nhiều loại thiết bị mô phỏng, giám sát… liệu có đẩy học phí lên cao?
Có thể tăng, tùy theo chất lượng của cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch. Nhưng phải hiểu rằng đào tạo, sát hạch lái xe là lĩnh vực dịch vụ và Nhà nước không quy định giá dịch vụ (như thuê xe học lái thêm giờ cho cứng tay lái), học phí. Những việc này là do cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch tự xây dựng trên cơ sở chi phí, mức đầu tư cơ sở kỹ thuật và chất lượng của đội ngũ giáo viên, xe học lái, sân bãi… Nhưng giá dịch vụ, học phí phải được các cơ sở, trung tâm kê khai, thông báo tới các cơ quan quản lý như tài chính, thuế, Sở LĐ-TB&XH, Sở GTVT… Chúng tôi sẽ thực hiện giám sát, nơi nào lấy giá học phí cao mà chất lượng dạy không tốt, dạy không đủ giờ, đúng bài quy định thì sẽ xử lý ngay.
Xin cảm ơn ông.