Mua xe hơi bây giờ với người Việt không còn là điều xa xỉ, nhưng đọc các con số xe nhập những tháng đầu năm nay mới thấy khá “chạnh lòng”.
Thực tế là ngày nay việc ai đó sở hữu một chiếc ôtô không còn là điều quá khó khăn so với nhiều năm trước đây, nhất là khi hàng loạt chính sách ưu đãi về giá, cũng như phương thức chi trả linh hoạt từ nhiều hãng xe hơi.
Tuy nhiên, dù cũng có vài doanh nghiệp trong nước sản xuất ôtô và sản phẩm cũng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nhưng nhiều người vẫn sẽ chọn những thương hiệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Bỏ qua tinh thần ái quốc, việc nhiều người Việt không cần đắn đo để quyết định mua ngay xe sản xuất ở nước ngoài chủ yếu đến từ giá cả. Một chiếc xe hơi cùng mẫu mã, tiện ích và đã được kiểm chứng bằng thương hiệu từ nước ngoài, và có giá cả suýt soát hoặc rẻ hơn một chiếc xe tương tự được sản xuất trong nước, thì xét về mặt kinh tế và tâm lý tiêu dùng, họ sẽ mua xe nhập khẩu.
Thực tế tiêu dùng trên được dẫn chứng cụ thể từ số liệu của Bộ Công thương. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 131.000 chiếc (từ chín chỗ trở xuống), tăng 652% so với cùng kỳ năm 2018.
Đây là những số liệu biết nói, và nó nói lên thực trạng rằng, nếu như không có những “phép màu” nào xảy ra dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô trong nước, thì chắc chắn sẽ rất khó có chuyện “người Việt dùng ôtô Việt” trong tương lai. Vậy, để giải quyết việc này, “phép màu” nên xảy ra ở khâu nào?
Theo tôi, vấn đề cốt lõi nhất của việc xe hơi sản xuất trong nước không thể cạnh tranh nổi với những dòng xe nhập khẩu là thuế.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các ban ngành liên quan cần có một “hội nghị Diên Hồng” để bàn về những ưu đãi thuế cho ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô.
Thực tế là những sản phẩm sản xuất trong nước thì bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Linh kiện vật tư nhập khẩu để sản xuất xe ôtô thì bị tính thuế nhập khẩu. Còn nếu nhập khẩu ôtô nguyên chiếc thì mức thuế suất bằng 0%.
Đây chính là những nguyên nhân “cắc cớ” chủ yếu bóp nghẹt sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất xe hơi nội địa. Chính phủ cần có những chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện sản xuất trong nước, cũng như hàng nhập khẩu ngành sản xuất xe hơi.
Bên cạnh đó, các ban ngành cũng nên xem xét việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sản xuất xe trong khoảng thời gian quy định. Và cần có thêm những chính sách ưu đãi thực tế khác nếu như tỷ lệ nội địa hóa xe cao và chất lượng.
Rõ ràng là những quy định về thuế như hiện tại không hề có tính thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất xe hơi trong nước. Cho nên, vấn đề cốt yếu là như vậy, thay đổi những “xiềng xích” từ chính sách thuế hiện tại, thì đó mới là “phép màu” để hy vọng ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô cất cánh.