Người dân có thể cung cấp hình ảnh, clip vi phạm giao thông qua trang Facebook của CSGT TP. Hà Nội và đơn vị này sẽ xác minh, điều tra để xử phạt.
Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt (PC08) Công an TP. Hà Nội đang thí điểm phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh do người dân cung cấp trên trang Facebook của Công an TP. Hà Nội.
Mang lại nhiều hiệu quả
Theo lãnh đạo PC08, qua gần hai tháng thí điểm, lực lượng chức năng đã xác minh, xử lý hàng chục trường hợp tài xế ôtô, xe máy vi phạm trên các tuyến đường ở trung tâm thủ đô. Bước đầu việc xử lý vi phạm qua hình ảnh người dân cung cấp đã mang lại hiệu quả nhất định.
Về quy trình xử lý, vị này cho biết hằng ngày, trang Facebook của Công an TP. Hà Nội tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân về tất cả lĩnh vực, trong đó có các hình ảnh vi phạm giao thông. Cán bộ trực sẽ phân loại và gửi cho Phòng CSGT xử lý.
Tuy nhiên, để xử phạt nguội một trường hợp vi phạm, PC08 mất nhiều thời gian xác minh xem ảnh có cắt ghép không, tìm chủ phương tiện rồi gửi giấy mời đến trụ sở làm việc.
“Nếu xe vi phạm đã sang tên đổi chủ thì rất dễ xử lý tài xế, còn trong trường hợp ngược lại thì gần như không thể xử phạt” – lãnh đạo PC08 giải thích.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông Cục CSGT – Bộ Công an, cho rằng trong thời gian qua đã có rất nhiều địa phương phạt nguội đối với những trường hợp vi phạm do người dân cung cấp.
Việc người dân quay phim, chụp ảnh các hành vi vi phạm an toàn giao thông ngoài đường đã được lực lượng CSGT các địa phương quan tâm xử lý, là thực hiện theo quy định của luật pháp.
Theo thượng tá Nhật, đối với các vi phạm về hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mọi hành vi vi phạm đều phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm.
Việc phát hiện có thể từ nhiều nguồn khác nhau, do người dân gửi đến lực lượng công an hoặc đưa lên mạng xã hội.
“Khi tiếp nhận những nguồn này, lực lượng chức năng xác minh qua điều tra hành chính. Ví dụ, người dân gửi clip thì chúng tôi phải xác minh thời gian, địa điểm, phương tiện và con người vi phạm… và người cấp tin sẽ là người làm chứng. Khi đầy đủ những chứng cứ, chứng minh vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ xử phạt” – thượng tá Nhật giải thích.
Cần thiết trong quản lý
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng hiện nay, Facebook gần như là mạng xã hội liên lạc, truyền tải thông tin phổ biến nhất thế giới.
Việc tiếp nhận thông tin phản ánh qua Facebook là cần thiết trong việc quản lý, giám sát và xử phạt hành vi vi phạm hành chính nói riêng và thực hiện các biện pháp quản lý xã hội nói chung.
Tuy nhiên, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng các thông tin trên mạng xã hội Facebook như clip, hình ảnh… chỉ được xem là nguồn phản ánh hành vi vi phạm chứ chưa dùng ngay được để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Điều 79 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”.
Như vậy, các clip, hình ảnh… được dùng làm căn cứ xử lý vi phạm phải là kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng theo quy định pháp luật.
“Việc xử lý vi phạm giao thông qua phản ánh trên Facebook muốn đúng pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền vẫn phải tuân thủ đầy đủ trình tự được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tức là cần phải có các biện pháp điều tra, xác minh, bằng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để củng cố căn cứ xử lý và khi xử lý vẫn phải lập hồ sơ vi phạm hành chính như đối với các trường hợp thông thường” – luật sư Tuấn Anh phân tích.
Bảo vệ tuyệt đối người cung cấp
Ngày 17-6, Công an TP. Hà Nội ra mắt trang Facebook để tiếp nhận, xử lý thông tin về an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tác phong cán bộ, chiến sĩ.
Qua đó, người dân có thể gửi nội dung qua trang Facebook hoặc nhắn tin qua ứng dụng Facebook Messenger dưới dạng văn bản, hình ảnh, video, ghi âm… Người cung cấp tin tức được bảo vệ tuyệt đối về bí mật thông tin cá nhân.
Trong quá trình hoạt động, nhiều người dân đã cung cấp các trường hợp sai phạm của các phương tiện khi tham gia giao thông và Phòng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp.