Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ không quy định “cứng” thành quy tắc giao thông đối với quy định bắt buộc bật đèn xe máy nhận diện vào ban ngày trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng nay 2-6, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết sẽ không quy định “cứng” thành quy tắc giao thông đối với quy định bắt buộc bật đèn xe máy nhận diện vào ban ngày. Thay vào đó, chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện.
Theo bà Nga, trong phần quy tắc giao thông đường bộ, dự thảo Luật đưa ra các quy định liên quan đến nhận diện. Đây là nội dung được Luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ, đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có khí hậu tương đồng Việt Nam.
“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa đảm bảo quy định của Công ước Viên vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân”– Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, Bộ GTVT đưa ra Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để lấy ý kiến nhân dân kéo dài đến 21-6-2020, trong đó có một số nội dung đề xuất đang gây nhiều tranh cãi như phải bật đèn xe máy cả ngày hay vượt đèn xanh tại nút giao ùn tắc cũng bị phạt. Cụ thể, Khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nêu rõ: “Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.